Bấm vào hình để xem kích thước thật

Những điều cần nên biết đối với các bà mẹ cho con bú?

Ngày đăng:  14/12/2010

 
Lượt xem: 26391

1. Thưa BS! Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé phát triển, là kháng thể để giúp trẻ chống lại nhiễm trùng trong giai đoạn đầu đời.Tuy nhiên, kể từ ngay khi sanh bé, thời gian bao lâu thì mẹ có thể bắt đầu cho bé bú được ? Và trước khi cho bé bú, các bà mẹ nên cần làm gì ?

Trả lời:

 

 Ngay sau sinh, các bà mẹ nên cho con bú mẹ, càng sớm càng tốt, và tốt nhất là bắt đầu bú trong khoảng 30-60 phút đầu tiên. Bú mẹ sớm như vậy để giúp trẻ nhận được sữa non, giàu năng lượng, giúp trẻ không bị hạ đường huyết và ngăn ngừa hạ thân nhiệt. Sữa giàu kháng thể, vitamin A bảo vệ trẻ chống bệnh tật. Chỉ cần vài ml sữa non một lần bú là đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ. Đồng thời bú sớm như vậy sẽ kích thích mẹ mau về sữa hơn.Trước khi bù mẹ chỉ cần dùng khăn ấm và ẩm, lau sạch núm vú và quầng vú.

 

 

2. Đang hạnh phúc với niềm vui “mẹ tròn - con vuông”, nhiều mẹ lại lo lắng khi nhìn con khóc đòi bú, nhưng bầu sữa mẹ lại bị căng cứng , đau nhức và đôi khi dẫn đến sốt, apxe tuyến vú . Xin BS cho biết nguyên nhân dẫn đến việc tắc tuyến sữa sau khi sanh ? Và có cách nào giúp sữa mẹ“về” được nhiều và nhanh ? 

 

Trả lời

 

Khi sữa bị tắc trong các nang sữa sẽ dẫn đến đau nhức và có khi gây apxe tuyến vú. Để phòng tránh, mẹ nên mặc áo ngực rộng rãi, cho con bú hết sữa trong ngực, không nên kẹp ngang vú khi cho con bú gây chèn ép nên sữa không ra được, nếu sữa quá căng thì mẹ có thể vắt bỏ bớt. Một nguyên nhân nữa là mẹ cho bé bú núm vú mà không ngậm quầng vú, do đó bé cắn chặt núm vú thì phần sữa ở các xoang sữa vùng quầng bị chắn lại không xuống được gây tắc. Khi bị tắc tia sữa, mẹ nên cho bé bú để hút hết sữa ra, hoặc phải nhờ một người lớn hút mạnh sữa ra giúp, tất nhiên là hơi đau nhưng giải phóng được tắc nghẽn là mẹ dễ chịu ngay. Trong trường hợp nặng hơn, đã trở thành apxe vú, với triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau của tuyến vú thì phải ngưng cho bé bú vài ngày, mẹ phải đến bệnh viện để rạch apxe và dùng kháng sinh kịp thời. Trong những ngày này, mẹ vắt sữa để duy trì nguồn sữa mẹ.

    

3. Trong thời gian nuôi con, chế độ ăn uống như thế nào là hợp lý để có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé  và duy trì được nguồn sữa mẹ ? Việc vắt sữa và bảo quản sữa vắt trong tủ lạnh cho trẻ uống dần trong ngày thì liệu nguồn dinh dưỡng có bị mất không thưa BS?

 

Trả lời:

 

 Khi cho con bú, mẹ nên ăn thêm khoảng 1 chén cơm/ 1 cữ ăn và thức ăn tương ứng với chén cơm đó so với trước. Mẹ phải duy trì nước uống đầy đủ và rau xanh, trái cây., không nên quá kiêng khem. Nếu có điều kiện thì uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày để có đủ canxi cho mẹ và con. Các loại thức ăn nên được nấu chín kỹ, trái cây tươi nên gọt vỏ sâu. Mẹ nên tránh các thức ăn có chứa chất kích thích như bia, rượu, thức ăn chứa nhiều cồn, các thức ăn có mùi nồng làm cho sữa mẹ có mùi khó chịu (hành, tỏi, ớt..), thức ăn bị ôi thiu.

 

 Sữa mẹ vắt ra để trong tủ lạnh vẫn còn gần như đủ các chất dinh dưỡng nếu dùng trong vòng 24-48h. Sữa mẹ đông lạnh để được 6 tháng nhưng khi dùng có giảm bớt một ít chất lượng. Nếu dùng sữa mẹ để tủ lạnh thì khi cho bé bú, bạn làm ấm bằng các nhúng vào ly nước ấm chứ không nên nấu lên vì nhiệt độcao sẽ làm hỏng các kháng thể rất quý trong sữa.

 

4. Những điểm  nào cần lưu tâm đối với các bà mẹ đang cho con bú thưa BS ?

 

Trả lời:

 

Khi cho bé bú, mẹ phải cố gắng cho bú cạn hết sữa của mỗi bên. Nếu bé đã bú mà còn dư sữa thì mẹ nhớ vắt bỏ, có cạn sữa sau bữa bú thì cơ thể mẹ mới kích thích tạo sữa nhiều hơn. Cho bé ngậm hết quầng vú thì bú mới hiệu quả (vì sữa chứa ở quầng chứ không phải ở núm vú). Mẹ phải ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem quá nhiều. Yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với sự tiết sữa của mẹ. Mặc dù đa số các bà mẹ đều đủ sữa để nuôi 1-2 bé nếu cho bú đúng cách, ngực to hay nhỏ không quan trọng, nhưng nếu bị những người xung quanh nhận xét bàn luận theo hướng chê bai thì rất dễ bị giảm tiết sữa. Do đó nên chú ý cho mẹ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc,tránh đưa ra bàn luận tiêu cực như : sữa mẹ nóng, sữa mẹ loãng,sữa mẹ chua, ngực mẹ nhỏ, núm vú tụt quá chắc không ngậm được, em bé không sổ sữa như bé bú bình...Nếu có vấn đề thì đưa mẹ và bé đến để bác sĩ tham vấn chứ đừng tự suy đoán và không nên tự giải quyết.

 

 

Đăng bởi: Phỏng vấn BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu -TK.Dinh Dưỡng

[Trở về]

Các tin khác