Thủng ruột do xương cá
Ngày đăng: 26/10/2011
Lượt xem: 9086
Tuần qua, các bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp thủng ruột khá hi hữu. Trường hợp thứ nhất là bé trai T.N.H, 7 tuổi, nhập viện vì đau bụng vùng hố chậu phải kèm sốt nhẹ. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm ruột thừa và có chỉ định mổ nội soi. Kết quả là ngoài ruột thừa viêm , các bác sĩ còn phát hiện thêm là có 1 đoạn xương cá đâm thủng ruột của bé tại vị trí có 1 túi thừa gọi là túi thừa Meckel. Túi thừa này khá dài, kích thước 2x10cm, sung huyết và có lẩn 1 đoạn xương cá kích thước khoảng 1,5 cm bên trong. Rất may là đoạn xương cá này không gây tổn hại thêm các đoạn ruột xung quanh. Người nhà cho biết cách nhập viện 1 ngày, bé có ăn cơm với cá, ngày hôm sau thì bé sốt, than khó chịu và đau bụng tăng dần.
Trường hợp thứ 2 là bé nữ P.P.T, 6 tuổi, cũng đau bụng sau ăn cơm với thịt cá. Lúc nhập viện bé đau bụng rất nhiều kèm nôn ói. Các bác sĩ nghi ngờ bé bị dị vật gây thủng ruột. Kết quả mổ cho thấy đúng như chẩn đoán, bé bị 1 đoạn xương cá khỏang 1 cm đâm thủng ruột non và nằm trong ổ bụng. Các bác sĩ đã lấy đoạn xương cá ra, may lại lổ thủng, rửa bụng cho bé. Hiện 2 bé đã ổn định, ăn uống tốt và được xuất viện.
Theo phẫu thuật viên chính Hồ Trần Bản, túi thừa Meckel là 1 dị dạng bẩm sinh của đường tiêu hóa, bản chất là một phần của ruột non, hiếm gặp (chỉ gặp trong khoảng 2% dân số) và khó chẩn đoán trên lâm sàng. Túi thừa này bình thường không gây biến chứng gì nhưng 1 số trường hợp có thể bị viêm và ra một số biến chứng như chảy máu đường tiêu hóa và thủng vào ổ bụng hay vào các cơ quan kế cận.
Bác sĩ cho biết thêm hiện nay các bậc cha mẹ có khuynh hướng cho con sử dụng thịt cá nhiều hơn thịt các động vật khác do ý thức được giá trị dinh dưỡng của thịt cá. Trong thịt cá lượng protein tương đối ổn định , dễ đồng hóa nên hấp thu tốt hơn các dạng thịt khác. Ngoài ra lượng acid béo không no trong thịt cá rất cao nên giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, ở trẻ em khả năng lừa xương cá còn rất kém, không tinh tế như người lớn nên khi cho bé ăn cá, người nhà nên lựa những loại cá ít xương hoặc xương to, tránh các loại cá nhiều xương và nhỏ dễ hóc và cổ hay nuốt vào bụng như cá rô, cá chép…để tránh các trường hợp dáng tiếc xảy ra.
Hình ảnh túi thừa và mảnh xương cá
Đăng bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024