Xoắn dạ dày hiếm gặp ở trẻ 7 tuổi.
Ngày đăng: 01/11/2011
Lượt xem: 7706
Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp hôm qua vừa phẫu thuật thành công bằng nội soi 1 ca xoắn dạ dày hiếm gặp ở bé gái 7 tuổi . Bé T.T.N.T, được chuyển viện từ bệnh viện Bà Rịa do ói và đau bụng nhiều. Tại khoa cấp cứu, người nhà cho biết bé bệnh 2 ngày nay, ói liên tục, ăn vào là ói bất kể nước hay thức ăn kèm đau bụng , sốt nhẹ và không đi cầu được.
Trước đó, bé cũng có 2 đợt đau bụng cấp và ói như vậy và tự hết. Diễn tiến của bé ngày càng xấu khi bụng bé ngày càng trướng to, ói nhiều hơn, X quang bụng cho thấy có nhiều hiện tượng dạ dày dãn to, ứ đọng dịch. Bé được tích cực bù dịch, đặt sond dạ dày và ra được 2 lít dịch trong.
Sau đó khi tình trạng bé cải thiện nhiều, các bác sĩ đã cho bé làm thêm 1 xét nghiệm chụp hình dạ dày thực quản cản quang vì nghi đây là 1 trường hợp xoắc dạ dày bán cấp tạm ổn. Kết quả chụp phim cho thấy nhận định trên là chính xác, dạ dày của bé phần dưới bị xoắn lên cao và 1 phần bờ cong của dạ dày chui lên lồng ngực. Bé được mổ nội soi bán khẩn tháo xoắn dạ dày đem xuống lại ổ bụng và khâu cố định đề phòng dạ dày tái xoắn lại đồng thời các bác sĩ cũng khâu hẹp lỗ thoát vị nơi dạ dày chui lên. Ca mổ diễn ra khá nhanh chóng và nhiều thuận lợi. Hiện bé đã hết ói, bụng mềm, ăn uống và đi tiêu lại tốt.
Thạc sĩ Bác sĩ Trần Thanh Trí, phó khoa ngoại tổng hợp, cho biết bệnh lý xoắn dạ dày ở trẻ em khá hiếm gặp( thường gặp ở trẻ trên 12 tháng tuổi) và trường hợp xoắn dạ dày ở lứa tuổi lớn như vậy càng hiếm hơn nữa. Trước giờ, loại bệnh lý này thường được mổ mở, điểm đặc biệt ở trường hợp này là các bác sĩ đã thành công trong việc ứng dụng nội soi để phẫu thuật cho bé. Ưu điểm của nội soi là quan sát được hết ổ bụng của bé, thời gian sau mổ bé phục hồi nhanh hơn, ít đau hơn và sẹo thẩm mỹ nhiều so với mổ mở, nhất là các bé gái.
Bác sĩ cho biết thêm bệnh lý này thường xảy ra đột ngột, cấp tính và có thể nguy hiểm đến tính mạng của bé nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Y văn thế giới ghi nhận chỉ có khoảng 116 ca như thế này cho đến năm 1994 và thêm 51 ca nữa từ năm 1994 đến nay. Biểu hiện thường gặp của bệnh là đau bụng đột ngột, ói nhiều và liên tục, 1 số trường hợp bé có thể suy hô hấp cấp kèm theo tím tay chân do đau. Chẩn đoán bệnh khá khó khăn, đòi hỏi phải phối hợp khám lâm sàng tỉ mỉ kèm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng thích hợp. Do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý và đưa bé đi khám khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Đăng bởi: BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024