BẢO QUẢN THỨC ĂN TRONG TỦ LẠNH
Ngày đăng: 03/11/2009
Lượt xem: 12528
Ngày nay, nhờ có tủ lạnh mà chúng ta bảo quản được thức ăn lâu hơn, thịt cá không bị ôi ươn, trứng không bị ung, rau quả không bị héo úa, ủng, sữa không bị hỏng…Tủ lạnh đã giúp người nội trợ rất nhiều trong việc dự trữ thực phẩm, tiết kiệm khá nhiều thời gian và tiền bạc. Có nhiều người sử dụng tủ lạnh như một kho chứa thức ăn, chất đầy ắp các loại thưc phẩm sống chín …đủ dùng trong một thời gian dài.
Nhưng có điều người ta lại quá tin vào tủ lạnh, cho rằng cứ để thức ăn vào tủ lạnh là an tâm, vi khuẩn sẽ không thể sống được, lúc nào cần chỉ việc lấy ra ăn. Sự thực không phải như vậy, với nhiệt độ trong ngăn đông (khoảng -10˚C) có thể kìm hãm được đa số các loại vi khuẩn nhưng cũng chưa diệt được chúng. Còn với nhiệt độ trong ngăn mát khoảng 0,5-5˚C, vi khuẩn chỉ giảm bớt tốc độ sinh sôi nảy nở. Nhiệt độ càng thấp thì thời gian bảo quản thực phẩm càng lâu hơn. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nhất định, thức ăn vẫn có thể bị hỏng, và sau khi đưa ra nhiệt độ bên ngoài thì vi khuẩn lại phát triển rất nhanh. Nếu thấy thức ăn đã có mùi vị khác thì nên bỏ đi để tránh ngộ độc thực phẩm.
Thức ăn bảo quản trong ngăn mát thường chỉ sử dụng trong vòng 5-7 ngày. Nếu ăn còn dư để lại thì chỉ nên dùng thêm 1 ngày. Để hạn chế nhiễm khuẩn thức ăn, chúng ta cho thức ăn đã chế biến vào tủ lạnh trong vòng 2-4h sau khi chế biến, khi thức ăn nguội hẳn. Thức ăn sống và chín nên được để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn chéo. Thức ăn sống cũng cần sơ chế sạch sẽ và bỏ chỗ dập nát trước khi cho vào tủ. Tốt nhất là tất cả đều có bao kín hoặc hộp kín để tránh bị hút nước làm thức ăn khô và không ảnh hưởng mùi vị của các món khác.Với ngăn đông, thức ăn có thể dự trữ khoảng 2 tháng, tuy nhiên cần lưu ý sau khi rã đông thì nên chế biến hết chứ không nên cấp đông trở lại vì các tinh thể nước tan ra đã làm vỡ màng các tế bào và thực phẩm rất dễ bị hư hỏng nếu để trở lại. Trước khi cấp đông cũng nên sơ chế sạch và chia ra từng phần đủ dùng cho một bữa.
Nhiều phụ huynh cũng hay chế biến thức ăn một lần rồi cất trong tủ lạnh cho trẻ ăn dần. Việc bảo quản cũng cần tuân thủ nguyên tắc như trên, nghĩa là phải bảo quản trước khi bị nhiễm khuẩn thức ăn, đậy kín và phân biệt riêng thức ăn sống chín. Thức ăn cũng nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ cho một cữ ăn của trẻ. Những thức ăn trẻ đã ăn dở dang thì nên bỏ đi vì thường đã nhiễm khuẩn. Thức ăn nào dễ ôi thiu thì phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn, nghĩa là ở chỗ gần ngăn đá hơn. Với trẻ em, ăn thức ăn tươi mỗi bữa vẫn là tốt nhất. Cha mẹ có thể mua thức ăn tươi sống cho 2-3 ngày, sơ chế và chia từng suất, để sẵn trong tủ lạnh và nấu cho trẻ ăn mỗi bữa, thời gian chế biến cũng không lâu hơn hâm lại bao nhiêu.
Nếu buộc phải pha sữa sẵn cho trẻ và để trong tủ lạnh, bạn nên dùng hết trong vòng 24h và nên bỏ phần sữa đã uống dở đi. Mỗi bình sữa pha sẵn phải có nắp đậy kín và chỉ đủ dùng cho 1 cữ bú, đừng pha thừa, không nên dùng lại sữa đã uống dở vì đã nhiễm vi khuẩn từ miệng của bé.. Sữa mẹ vắt ra trong ly hoặc bình kín có thể để trong tủ lạnh 24-48h, khi cho trẻ uống thì làm ấm bằng cách nhúng vào ly nước ấm để tăng dần nhiệt độ, không nên đun nóng lên hoặc dùng lò viba sẽ làm hỏng các chất kháng khuẩn có trong sữa. Nếu cần bảo quản sữa mẹ lâu thì để trên ngăn đá, có thể dùng trong 2-6 tháng, tuy nhiên mùi vị khi uống sẽ không ngon như sữa mới.
Các dạng sữa tươi đóng gói thủ công, sau khi nấu nếu bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ an toàn trong vòng 24h. Sữa tươi, sữa đậu nành được tiệt trùng bằng công nghệ cao sau khi khui hộp chỉ nên dùng trong vòng 48 tiếng và phải đậy kín nắp hộp lại. Yaourt, phomai dùng theo hạn sử dụng ghi trên nhãn. Yaourt tự làm thì dùng trong vòng 5-7 ngày.
Mật ong nếu bảo quản phải dùng hũ thủy tinh hay nhựa mờ để tránh bị hỏng bởi ánh sáng, không đựng bằng hũ kim loại vì trong mật ong có các acid hữu cơ có thể tạo ra phản ứng hóa học. Phải đậy nắp kín vì mật ong dễ hút nước và tạo cơ hội cho nấm men phát triển. Chỉ nên dùng trong vòng 2 năm, nếu đã có bọt khí thì mật ong đã bị biến chất. Mật ong có tính kháng khuẩn, có thể làm dịu ho và cung cấp nhiều năng lượng cũng như một số vitamin và vi chất. Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi do có nguy cơ nhiễm phải độc tố vi khuẩn Botulinum gây liệt thần kinh.
Trứng gà, trứng vịt nên bảo quản ở ngăn để trứng hoặc trong hộp có nắp. Thời gian sử dụng trong vòng 1 tuần. Bạn nên rửa sạch hoặc lau sạch vỏ trứng trước khi bảo quản. Trên vỏ trứng thường có rất nhiều vi khuẩn như Salmonella hay E. Coli có trong đường sinh dục của gia cầm, nếu không cẩn thận có thể làm nhiễm sang các thức ăn khác, nhất là thức ăn đã chế biến sẵn, chỉ hâm nóng khi sử dụng nên có thể không diệt hết vi khuẩn. Trước khi chế biến trứng, nhất là món opla, chúng ta nhớ rửa sạch cả vỏ trứng và tay mình để tránh rơi vi khuẩn vào trứng đã chiên.
Chúng ta phải thường xuyên vệ sinh tủ lạnh nhằm loại bỏ bớt vi khuẩn trong đó. Nhiệt độ của tủ lạnh cũng phải được duy trì ổn định, tránh mở ra mở vào liên tục sẽ dễ làm hỏng thức ăn. Do đó, các bà nội trợ nên tính toán kỹ việc sắp đặt thức ăn như thế nào cho thật hợp lý, vừa đảm bảo không lây nhiễm chéo giữa thức ăn sống chín, thức ăn nào dễ hỏng ưu tiên ở nơi có nhiệt độ thấp hơn, chia từng phần để khi lấy ra có thể sử dụng hết trong 1 lần ăn, thức ăn nào dùng trước để ở nơi dễ lấy. Có như vậy, tủ lạnh mới trở thành một trợ thủ đắc lực, hiệu quả và an toàn trong phục vụ sức khỏe ăn uống.
Đăng bởi: BSCK2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng 2
Các tin khác
Giúp trẻ phát triển chiều cao 29/02/2024
Chế độ dinh dưỡng ngày Tết mùa Covid 02/02/2022
Các loại sữa dành cho trẻ non tháng 06/02/2020
Chế độ ăn cho trẻ sinh non có gì đặc biệt 29/01/2020
Dinh dưỡng cho trẻ ngày nắng nóng 21/02/2019
Dinh dưỡng ngày Tết và những điều cần lưu ý 06/02/2019