Ngộ độc thuốc an thần
Ngày đăng: 30/08/2012
Lượt xem: 11434
Ngày 14 và 15/8/2012 vừa qua, khoa Nội Tổng Hợp BV Nhi Đồng 2 đã nhận 2 bé đến nhận viện với lý do uống nhầm thuốc an thần.
Bé đầu tiên là N.T.T., 40 tháng, nhập viện vì ngộ độc Carbamazepine. Được biết ở nhà ông nội em đang được điều trị thuốc này; do vô tình làm rơi 1 viên Carbamazepine, em T. nhặt được và cho luôn vào miệng…; em được đưa đến bệnh viện với các biểu hiện: nôn ói, quấy khóc nhiều, ngồi không vững.
Bé thứ hai là P.U.N., 33 tháng, nhập viện vì ngộ độc Phenolbarbital. Theo lời kể của người nhà, mẹ em đang điều trị động kinh với loại thuốc này; Do thấy có bịch thuốc để trên giường nên em tự lấy uống; Khoảng 3 giờ sau, em ngủ li bì, người nhà lay gọi không được, em được đưa đến bệnh viện Lâm Đồng II với tình trạng hôn mê sâu, sau đó được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 2. Xét nghiệm mẫu máu và nước tiểu của em đều dương tính với Barbiturate.
Hiện tại cả 2 bé đã ổn định: tỉnh táo, tươi tắn, và tiếp xúc tốt.
Qua 2 trường hợp trên, xin lưu ý các bậc phụ huynh về việc lưu giữ thuốc và chăm sóc trẻ.
Carbamazepine, một loại thuốc an thần được chuyển hóa ở gan sau khi uống tạo thành carbamazepine 10,11 epoxid có thể gây độc trên hệ thần kinh. Khi quá liều có biểu hiện buồn nôn, nôn, ngủ gà, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn tim mạch, …
Phenobarbital, một dẫn xuất của barbiturate, cũng là một loại thuốc an thần có tác dụng chậm sau 3 – 6 giờ uống. Với liều > 30- 40 mg/kg, có thể xuất hiện các biểu hiện ngộ độc hay quá liều: buồn ngủ, lừ đừ, hôn mê, thở chậm,thở yếu dần, giảm nhiệt độ cơ thể, hạ huyết áp…
Trẻ em ở độ tuổi tập đi rất thích khám phá thế giới xung quanh và hiếu động nên dễ xảy ra các trường hợp ngộ độc đáng tiếc.
Để đề phòng ngộ độc ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần:
- Để xa khỏi tầm với của trẻ tất cả mọi loại thuốc đang có ở nhà.
- Đựng thuốc trong các lọ có nắp đậy kín.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ở trẻ em, phải có chỉ dẫn rõ ràng của bác sĩ.
- Khi trẻ uống nhầm thuốc hoặc khi trẻ có các biểu hiện bất thường, phải nhanh chóng mang trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để trẻ được điều trị kịp thời và theo dõi sau đó.
Đăng bởi: BS.Lê Thị Thùy Linh - Khoa Nội tổng hợp
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024