Lưu ý các vấn đề về ngoại khoa cho trẻ trong mùa dịch
Ngày đăng: 31/03/2020
Lượt xem: 3889
Thận trọng quá mức trong mùa dịch, một số phụ huynh tự điều trị các bệnh thông thường, thậm chí nhầm lẫn các cấp cứu ngoại khoa dẫn đến tình trạng bệnh càng phức tạp, điều trị khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng.
Trước khuyến cáo của các cơ quan chức năng và chính phủ về việc hạn chế ra ngoài trong khi dịch bệnh COVID – 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, có nhiều phụ huynh tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho con thay vì đem đến bệnh viện để thăm khám như trước đây dẫn đến số lượng bệnh đến khám tại các cơ sở giảm nhiều so với trước.
Cụ thể tại BV Nhi Đồng 2, nếu trước đây lượng bệnh đến khám dao động từ 7.000 -8.000 ca/ngày thì nay giảm chỉ còn trên dưới 1.000 ca/ngày. Tuy nhiên, dù lượng bệnh giảm nhưng theo báo cáo số liệu của bệnh viện, các bệnh ngoại khoa không giảm mà tăng nhẹ, tuy nhiên trong đó xuất hiện nhiều trường hợp nhập viện trễ, nặng, đặc biệt là bệnh lý viêm ruột thừa.
Trong những ngày cuối tuần trước, có đến 11 trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng được điều trị tại bệnh viện, tình huống này chưa từng xảy ra trước đó. Qua tìm hiểu thì được biết do người nhà có tâm lý e ngại đến bệnh viện, do đó cho dù các bé có triệu chứng tương đối rõ rang nhưng vẫn được điều trị tại nhà bằng cách tự mua thuốc cho trẻ uống dẫn đến khi trẻ nhậpviện trong tình trạng nặng, khiến việc phẫu thuật và hồi sức trước và sau mổ gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến vấn đề nhiễm trùng, dính ruột đều có nguy cơ tăng cao sau mổ.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, nhất là đau bụng, nôn ói, sốt, trẻ li bì, người nhà có thể tham vấn qua điện thoại để được tư vấn một cách sát sao, đưa đến bệnh viện khám sớm trong những trường hợp thực sự cần thiết; tránh tự điều trị tại nhà nếu được tham vấn các cấp cứu ngoại khoa. Bệnh nhi được điều trị giai đoạn sớm thì viêm ruột thừa ở giai đoạn cấp, viêm ruột thừa mủ, việc điều trị tương đối thuận lợi, dễ dàng; trong những trường hợp nặng này, ruột thừa đã vỡ ra, biến chứng rất nặng nề.
Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi, TS.BS Phạm Ngọc Thạch khuyến cáo: Mùa dịch, phụ huynh hạn chế cho trẻ ra ngoài, tụ tập nơi đông người, đến khám bệnh viện khi thật sự cần thiết. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng, sốt cao, đau bụng, li bì, nôn ói, cần tham vấn người có chuyên môn và nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để được điều trị kịp thời, nhất là các trường hợp cấp cứu ngoại khoa.
Đặc biệt, một số triệu chứng viêm ruột thừa đáng lưu ý như trẻ đau bụng đi lom khom, nằm co bụng như con tôm, hoặc đau khu trú vùng bụng thấp bên phải, kèm theo sốt, nôn ói; phụ huynh cần nghĩ đến viêm ruột thừa.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khuôn viên, cảnh quan thông thoáng, đội ngũ nhân viên y tế tận tâm và có sự đề phòng, chuẩn bị cao để đối phó với dịch bệnh nên quý phụ huynh hãy yên tâm đưa bé đến khám trong mùa dịch bệnh này. Phụ huynh cũng có nhiều chọn lựa phù hợp với điều kiện gia đình như khám, điều trị bảo hiểm y tế, khám, điều trị theo yêu cầu; khám trong giờ, khám ngoài giờ; phẫu thuật trong ngày, phòng khám chuyên gia ngoại nhi…
Bài viết có liên quan:
Dịch vụ chọn chuyên gia phẫu thuật
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024