Tìm hiểu các loại vắc-xin SARS-CoV-2 đang sử dụng tại Mỹ và Châu Âu
Ngày đăng: 20/02/2021
Lượt xem: 3699
Ba loại vắc-xin đã được phê duyệt tại Châu Âu (EMA) và Mỹ (FDA) và đang được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới là: Tozinameran, nRNA-1273 và ChAdOx1. Ngoài hiệu quả được xác nhận qua thử nghiệm, mỗi loại vắc-xin còn có cách bảo quản khác nhau, khoảng cách giữa 2 liều tiêm khác nhau.
Kể từ ngày 08/01/2021, cả ba loại vắc xin nêu trên đã được chấp thuận sử dụng rộng rãi ở Châu Âu và Mỹ. Về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin: trong các thử nghiệm ở giai đoạn III, tozinameran và mRNA-1273 chứng minh có hiệu quả trên 94%, trong khi ChAdOx1 nCoV-19 có hiệu quả từ 62-90%. Cả 3 loại vắc-xin đều được tiêm thành hai liều cách nhau ba tuần (nRNA-1273), bốn tuần (Tozinameran) hoặc 12 tuần (ChAdOx1). Người tiêm vắc-xin sẽ được bảo vệ khỏi bị nhiễm SARS-CoV-2 từ khoảng 7 ngày sau khi tiêm lần thứ hai; tuy nhiên, với mũi tiêm vắc-xin đầu tiên đã có thể cung cấp biện pháp bảo vệ cơ thể, nhất là đối với nhiễm COVID-19 nghiêm trọng.
Cả ba loại vắc xin này đều có tính an toàn cao. Các tác dụng phụ tại chỗ hoặc toàn thân khá thường gặp, chủ yếu là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và đôi khi sốt trong 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi tiêm, các tác dụng phụ nghiêm trọng ít gặp hơn. Theo nguyên tắc chung, các tác dụng phụ xuất hiện phổ biến hơn sau liều tiêm thứ hai và người trẻ tuổi gặp nhiều tác dụng phụ hơn người lớn tuổi. Điều quan trọng là, các tác dụng phụ nghiêm trọng đều hiếm gặp ở những người được tiêm vắc-xin và những người được dùng giả dược. Các trường hợp phản vệ rất hiếm và có thể xảy ra ở 1/100.000 người nhận vắc xin.
Vắc-xin nên được tiêm hai liều cách nhau 3 tuần (nRNA- 1273), 4 tuần (tozinameran) hoặc tối đa 12 tuần (ChAdOx1). Trong tình hình nguồn cung vắc xin khan hiếm như hiện nay, Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng của Vương quốc Anh (JCVI) khuyến cáo nên ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhiều người hơn với liều đầu tiên của cả vắc xin Oxford/AstraZeneca và BioNTech/Pfizer thay vì cung cấp cho những người khác với liều thứ hai của họ, vì điều này sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong thời gian ngắn và sẽ cứu sống nhiều người hơn.
(Vắc-xin COVID-19 AstraZeneca (ChAdOx1) được Bộ Y tế phê duyệt nhập về Việt Nam)
Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp cận với vắc-xin an toàn sẽ không bình đẳng, cả trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Tại các quốc gia, các cơ quan y tế đã chuẩn bị các kế hoạch ưu tiên chiến lược, trước tiên cung cấp vắc xin cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng; sau đó là đến những người sống ở các điểm nóng về dịch tễ; và cuối cùng là đối với phần còn lại của dân số. Giữa các quốc gia, chắc chắn rằng những quốc gia sản xuất vắc-xin sẽ nhận được vắc-xin trước và những quốc gia trả tiền nhiều hơn sẽ nhận được vắc-xin sớm hơn.
Vì không thể chấp nhận được việc những người có nguy cơ thấp ở các nước giàu có tiêm vắc-xin trong khi nhân viên y tế ở các nước thu nhập thấp và trung bình thì không, Tổ chức GAVI, Liên minh vắc-xin (một tổ chức tài trợ vắc-xin cho các nước thu nhập thấp có trụ sở tại Geneva), Liên minh Đổi mới chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI5) và Tổ chức Y tế Thế giới đã thành lập Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu Vắc xin COVID-19 (COVAX). COVAX đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vắc xin COVID-19, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới bằng cách đảm bảo 2 tỷ liều vắc-xin đủ để bảo vệ những người có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương, cũng như nhân viên y tế tuyến đầu. Một tỷ liều vắc-xin đã được dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMICS), chiếm một nửa dân số thế giới. Tất cả các quốc gia tham gia, bất kể mức thu nhập, sẽ được tiếp cận bình đẳng với các loại vắc-xin này khi chúng được phát triển. Đối với các quốc gia có thu nhập thấp hơn không đủ khả năng mua các loại vắc-xin này, và ngay cả một số quốc gia có thu nhập cao hơn không có thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất, COVAX thực sự là một cứu cánh và là cách khả thi duy nhất để công dân của họ sẽ được tiếp cận với vắc-xin COVID-19. Nam Phi và Ấn Độ đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ để vắc xin COVID-19 và các công nghệ mới khác có thể tiếp cận được đối với các nước nghèo.
(Tài liệu tham khảo: “Approved SARS-CoV-2 vaccines – An overview”- 2021, COVID Reference ENG 006)
SỞ Y TẾ TP.HCM
Đăng bởi: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Ban Website)
Các tin khác
Ai có nguy cơ bị COVID -19 cao nhất? 26/06/2020