Khi “cậu bé” bé hơn bình thường
Ngày đăng: 10/03/2010
Lượt xem: 11796
Ở trẻ nhỏ, nếu dương vật ngắn dưới 2 cm thì nên đi khám sớm, tránh nhiễm trùng.
Nhận thấy “cậu bé” của con trai mình ngắn hơn rất nhiều so với đứa cháu sinh cùng tháng nhưng anh T. (Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn tự nhủ chắc do con mình còn nhỏ nên “cậu bé” của nó chưa lớn. Đến khi lên hai, bé trai thường xuyên bí tiểu và tiểu đau, anh đưa con đi khám thì mới biết con mắc phải hội chứng vùi dương vật. Không bị tiểu đau hay bí tiểu như con anh T. nhưng bé MP (quận 11, TP.HCM) đã ba tuổi rồi mà dương vật dài chưa tới 1 cm. Hóa ra vì cậu ta quá béo khiến “cậu bé” bị lớp mỡ thành bụng che khuất.
Theo Thạc sỹ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (khoa Thận-Niệu, BV Nhi đồng 2), vùi dương vật là một dị dạng bẩm sinh của bộ phận sinh dục ngoài. Dương vật người bệnh vẫn có kích cỡ bình thường nhưng bị vùi trong lớp da quy đầu, thành bụng hoặc dưới lớp da xương mu khiến chúng trông ngắn hơn bình thường.
Phần lớn các trường hợp là do da quy đầu không bao phủ hết đầu dương vật khiến dương vật không nằm ở vị trí cố định như bình thường. Hẹp bao quy đầu cũng là một “thủ phạm” thường gặp khiến dương vật ẩn đi một phần do bị bọc trong bao quy đầu. Ngoài ra, trẻ béo phì cũng hay bị lớp mỡ thành bụng che lấp dương vật làm chúng ngắn lại. Với trường hợp trẻ béo phì, chỉ cần vận động, tập thể dục, khi lớp mỡ thành bụng giảm đi thì “cậu bé” sẽ tự động nhô ra. Còn hai trường hợp trên thì phải can thiệp ngoại khoa để trả lại vị trí đúng cho “cậu bé”.
Thông thường ở trẻ nhỏ, độ dài từ xương mu đến đầu dương vật nếu dưới 2 cm thì gọi là ngắn (ở người lớn là dưới 4-6 cm). Nếu thấy dương vật trẻ có kích thước dưới 2 cm thì nên đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh sớm. Bởi nếu không được điều trị sớm, nước tiểu tích tụ sẽ làm nhiễm trùng khoang giữa lớp trong của bao quy đầu và quy đầu, gây viêm quy đầu xơ và tắc, nhiễm trùng tiểu, tiểu đau, tiểu phồng bao quy đầu và bí tiểu.
Bác sĩ Thạch cũng khuyến cáo thêm vì đây là một loại bệnh mới nên nhiều bác sĩ cũng chẩn đoán nhầm lẫn và xử lý không đúng. Có trẻ không bị vùi lại chẩn đoán vùi và tiến hành phẫu thuật. Có trường hợp vùi thật nhưng bác sĩ lại chẩn đoán hẹp da quy đầu và cắt bỏ khiến da vốn thiếu lại càng thiếu và dương vật càng bị thụt vào trong hơn. Không ít trường hợp chẩn đoán đúng là vùi nhưng phẫu thuật không đúng cách khiến trẻ phải mang di chứng và phải phẫu thuật lại nhiều lần. Vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại những cơ sở chuyên khoa tin cậy để tránh rủi ro.
<!--[endif]-->
Đăng bởi: Ths.BS.Phạm Ngọc Thạch - Khoa Thận Niệu
Các tin khác
Hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 – Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường 14/11/2024
Chọn đúng vị trí để tiêm insulin 08/09/2015
Bảo quản thuốc đái tháo đường đúng cách 08/09/2015
Dậy Thì Sớm - Dậy thì muộn 08/11/2013
Dậy thì sớm 14/08/2013