TINH HOÀN ẨN: COI CHỪNG XOẮN
Ngày đăng: 25/10/2009
Lượt xem: 11620
Bé T.A.H, 3 tuổi, được cha mẹ đưa vào cấp cứu do bé đau nhiều vùng bên phải. Bé có tiền căn là không sờ thấy tinh hoàn trong bìu phải. Các bác sĩ trực đã chẩn đoán bé bị xoắn tinh hoàn ẩn và tiến hành mổ cấp cứu gấp nhưng tinh hoàn đã tím đen không cứu được. Đây là một trong những biến chứng có thể gặp của tinh hoàn ẩn, một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em nhưng nếu không chú ý sẽ đưa đến những hậu quả đáng tiếc. Qua trường hợp này, Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khoa Ngoại thận niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết thêm những thông tin về bệnh lý này.
Tinh hoàn ẩn là gi?
Trong thời kì phôi thai, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuyên qua thành bụng ở vùng bẹn vào vị trí bình thường là bìu. Nếu trong quá trình này tinh hoàn gặp phải một sự cố gì đó mà không nằm ở bìu mà nằm ở bụng, ở bẹn thì gọi là tinh hoàn ẩn.
Xuất độ của bệnh và diển tiến tự nhiên của bệnh?
Tinh hoàn ẩn có trong 30% các trường hợp sinh non, nhưng với trẻ sinh đủ tháng, xuất độ chỉ còn khoảng 3%. Ở những trẻ có tinh hoàn ẩn, khoảng 70% trường hợp tinh hoàn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu nhưng sau 1 tuổi thì tỷ lệ tinh hoàn ẩn xuống bìu rất ít, không đáng kể.
Nếu không điều trị bệnh sẽ gây biến chứng gì?
Tinh hoàn ẩn nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc:
- Xoắn tinh hoàn do tinh hoàn không được cố định ở bìu như bình thường và phải cắt bỏ tinh hoàn nếu bị hoại tử.
- Hóa ác: nguy cơ hóa ác của một tinh hoàn ẩn cao gấp 22 đến 40 lần so với tinh hoàn bình thường nằm ở bìu. Đặc biệt nếu tinh hoàn nằm trong ổ bụng thì nguy cơ hóa càng cao hơn nữa do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn ở bìu, do đó sẽ làm tinh hoàn không phát triển và giảm số lượng tế bào mầm . Ngoài ra, khi bị tinh hoàn ẩn một bên thì tinh hoàn đối diện cũng có nguy cơ hóa ác đến ¼ các trường hợp.
- Giảm khả năng sinh sản gặp trong tinh hoàn ẩn 1 bên hay cả 2 bên: các số liệu cho thấy chỉ 25% các trường hợp tinh hoàn ẩn 2 bên đã điều trị phẫu thuật có số lượng tinh trùng bình thường. Vì thế vô sinh là không tránh được đối với những trường hợp có tinh hoàn ẩn 2 bên mà không điều trị. Một báo cáo năm 1975 cho thấy tỷ lệ có con là 90% khi điều trị ở giữa 1-2 tuổi, 50% ở giữa 2-3 tuổi, 40% giữa 5-8 tuổi , 30% giữa 9-12 tuổi và chỉ còn 15% khi quá 15 tuổi.
Cách nhận biết tinh hoàn ẩn?
Đơn giản nhất là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn của bé; khi bé nằm sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động. Khi thấy hiện tượng trên phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện nhi để được bác sĩ khám lại và cần thiết bác sĩ sẽ cho siêu âm kiểm tra kích thước và vị trí tinh hoàn bị ẩn.
Các dấu hiệu để nhận biết tinh hoàn ẩn bị xoắn?
Thường là trên nền trẻ có sẵn bệnh lý tinh hoàn ẩn, trẻ đột nhiên đau thắt dữ dội vùng tinh hoàn ẩn( thường là ở vùng bẹn), sờ đau và trẻ không cho sờ; đôi khi có kèm theo nôn ói.
Phương pháp điều trị và thời điểm thích hợp để điều trị tinh hoàn ẩn?
- Điều trị đối với tinh hoàn ẩn ở vùng bẹn thì có 2 phương pháp. Thứ 1 là phương pháp nội khoa, ở trẻ dưới 1 tuổi, bác sĩ sẽ tiêm 1 loại nội tiết tố có tên là HCG cho bé để kích thích tinh hoàn đi xuống. Tuy nhiên phương pháp này chỉ có hiệu quả khoảng 20% và có một số chống chỉ định nên không được ưu dùng. Hiện nay, phần lớn tinh hoàn ẩn được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa tức là phẫu thuật đưa tinh hoàn bị ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu . Thời điểm thích hợp để phẫu thuật là 1 tuổi vì sau 1 tuổi thì tinh hoàn ẩn bắt đầu phát triển theo chiều hướng xấu đi, các tế bào mầm giảm số lượng.
- Còn đối với tinh hoàn ẩn trong ổ bụng thì có thêm phương tiện nội soi ổ bụng hỗ trợ để phẫu thuật.
Đối với trường hợp bé bị tinh hoàn ẩn phát hiện sau tuổi dậy thì thì cách giải quyết ra sao?
Đối với những trường hợp tinh hoàn ẩn để muộn tới sau tuổi dậy thì thường là tinh hoàn teo nhỏ và nằm cao trong bụng, nên cắt tinh hoàn vì tinh hoàn đã mất chức năng và để ngừa nguy cơ hóa ác, sau đó đặt tinh hoàn nhân tạo.
Địa chỉ liên hệ để diều trị tinh hoàn ẩn?
Các bệnh viện có khoa ngoại nhi như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2. Ngoài ra đây là một bệnh lý tương đối đơn giản nên có thể thực hiện phẫu thuật và về trong ngày tại đơn vị mổ trong ngày tại 2 bệnh viện trên.
Đăng bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại bv Nhi Đồng 2
Các tin khác
Hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 – Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường 14/11/2024
Chọn đúng vị trí để tiêm insulin 08/09/2015
Bảo quản thuốc đái tháo đường đúng cách 08/09/2015
Dậy Thì Sớm - Dậy thì muộn 08/11/2013
Dậy thì sớm 14/08/2013