Bệnh Đậu mùa khỉ: Những điều cần biết
Ngày đăng: 13/06/2022
Lượt xem: 5226
Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ, là bệnh gì, dịch tễ lưu hành, cách thức lây truyền, đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, triệu chứng và cách phòng tránh như thế nào,... dưới đây là những thông tin hữu ích để hiểu hơn về căn bệnh này.
- Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh gì? Tại sao lại có tên gọi này?
Bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, lây nhiễm ở động vật sang động vật, động vật sang người, người sang người.
Được phát hiện đầu tiên ở đàn khỉ nuôi trong viện nghiên cứu năm 1958 nên có tên bệnh đậu mùa khỉ, sau đó phát hiện ở người vào năm 1970.
- Dịch tễ lưu hành của bệnh?
Bệnh đậu mùa khỉ thường ghi nhận ở Trung Phi và Tây Phi. Đây là nơi có nhiều rừng nhiệt đới và nơi các loài động vật có thể mang virus sinh sống.
Ngoài ra cũng được ghi nhận ở các nước khác ngoài Trung Phi và Tây Phi, sau khi di chuyển từ các khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành (như hiện nay đã xuất hiện gần 30 quốc gia).
- Bệnh lây truyền từ người sang người như thế nào?
Người mắc bệnh có khả năng lây trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần) khi tiếp xúc gần với người lành. Lây từ:
- Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy.
- Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt.
- Quần áo, ga gối, khăn hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn, bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
- Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
- Ai có nguy cơ bị nhiễm?
Bất cứ ai có tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
- Triệu chứng bệnh?
Triệu chứng điển hình bao gồm:
- Sốt
- Đau đầu dữ dội
- Đau cơ
- Mệt mỏi
- Sưng hạch
- Phát ban hoặc tổn thương da: Ban thường xuất hiện sau sốt 1 – 3 ngày. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Ban thường tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.
- Bệnh có gây chết người?
Phần lớn bệnh tự thoái lui trong vòng vài tuần nhưng ở một số người, chúng có thể dẫn đến các biến chứng (nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng mắt gây mù, tổn thương thần kinh…), thậm chí là tử vong (tỉ lệ 3 – 6%).
Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
- Điều trị bệnh ra sao?
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường tự hết mà không cần điều trị. Điều quan trọng là cần chăm sóc nốt ban bằng cách để chúng tự khô, hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết.
Tránh chạm vào bất cứ chỗ đau nào trong miệng hoặc mắt. Có thể súc miệng và nhỏ mắt với điều kiện tránh sử dụng sản phẩm có chứa corticoides.
Globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin – VIG) được khuyến cáo sử dụng trong các ca bệnh nghiêm trọng.
Một loại thuốc kháng virus đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.
- Phòng ngừa bệnh như thế nào khi bản thân phải chăm sóc người thân bị nhiễm đậu mùa khỉ?
Cách ly người bệnh trong phòng (tốt nhất nên có nhà vệ sinh riêng bên trong). Hạn chế thời gian tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc khẳng định mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Nếu bạn cần phải tiếp xúc gần với người bệnh, hãy khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu có thể. Chẳng hạn mặc quần áo che lên chỗ có ban và hai bên đều phải đeo khẩu trang y tế.
Tránh tiếp xúc da với da bất cứ khi nào có thể. Hãy sử dụng găng tay dùng một lần nếu tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương.
Đeo khẩu trang khi làm sạch quần áo hoặc ga gối cho người nhiễm bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung sát khuẩn có chứa cồn sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, và các vật dụng các nhân, các bề mặt mà mà người nhiễm bệnh sử dụng.
- Vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ?
Vaccine gốc phòng bệnh đậu mùa hiện không còn được cung cấp cho người dân. Kể từ khi thế giới tuyên bố thanh toán được bệnh đậu mùa, công tác tiêm phòng đã chấm dứt vào năm 1980. Do đó những người trong nhóm từ 40 đến 50 tuổi hầu như chưa được tiêm phòng.
Một loại vắc xin mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, vắc xin này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Vì vậy, mọi biện pháp tốt nhất để chủ động phòng ngừa là người dân hãy tiếp tục theo dõi thông tin và tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế.
Ths.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa – Điều hành khoa Nhiễm
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Những điều cần biết về bệnh do não mô cầu 17/12/2024
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024