Bấm vào hình để xem kích thước thật

Hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên

Ngày đăng:  03/03/2010

 
Lượt xem: 9049

 

 

Một tuần sau tết, khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 3 trường hợp tự tử trẻ vị thành niên. Nguyên nhân dẫn đến tự tử trong những trường hợp này rất đơn giản.

Trường hợp đầu tiên, một trẻ nam 15 tuổi không chịu đến trường vì bị bạn đánh và bị dọa nạt sẽ tiếp tục bị đánh. Trẻ lo sợ và từ chối đi học, nhưng gia đình không hiểu lý do cứ nghĩ trẻ lười biếng không chịu đến lớp và đã la mắng. Trẻ cho rằng mọi người đã xúc phạm và làm nhục trẻ qua lời nói. Không cần suy nghĩ, em đã uống ngay tất cả những viên thuốc điều trị bệnh của cha để tìm đến cái chết.

            Trường hợp thứ hai một trẻ gái 14 tuổi nhập viện vì uống 30 viên thuốc ngủ (Rotunda). Lý do, em bị mẹ la vì có tình cảm với bạn trai. Sau đó, em từ chối đi học để phản đối gia đình. Xung đột xảy ra giữa em và cha, em cảm thấy bất công và uống thuốc tự tử ngay sau khi cha đi làm mà không cần suy nghĩ.

Trường hợp thứ ba là bé gái 14 tuổi ở quận 1. Bé có hoàn cảnh khá đặc biệt là mẹ mất từ năm 8 tuổi. Ba ra nước ngoài sinh sống và hoàn toàn không liên lạc gì với gia đình và bé. Bé sống với ông bà Nội từ nhỏ. Bé luôn cho mình là có khả năng âm nhạc và múa. Do sức học tập chỉ trung bình nên nhiều lần bé xin đi học múa ông Nội đều không cho. Một buổi tối bé xin ông cho đi chơi với bạn và được ông đồng ý. Nhưng khi bé về nhà 10h đêm thì bị ông đánh đòn. Nghỉ rằng mình đã  xin phép mà còn bị đánh mắng, cộng thêm mấy lần xin đi học múa không được. Bé đã uống nhiều viên thuốc an thần và nhập viện cấp cứu tại khoa cấp cứu bệnh viện nhi đồng 2.

Ở tuổi vị thành niên do tác động của các hormone sinh dục, trẻ bắt đầu phát triển rất nhanh về thể chất (chiều cao và trọng lượng cơ thể). Mặt khác trẻ cũng trưởng thành dần về mặt sinh lý (kích thước các cơ quan sinh dục bắt đầu phát triển, xuất hiện lông và râu, thay đổi giọng nói, cơ xương phát triên đặc thù theo giới tính). Do sự phát triển nhanh về mặt thể chất, sinh lý và tác động của các hormone sinh dục dẫn đến tâm lý của trẻ vị thanh niên thường không ổn định.

Tâm lý không ổn định có thể bị tác động của rất nhiều yếu tố:

-          Sự phát triển cơ thể đôi khi gây rất nhiều khó khăn về mặt tâm lý của trẻ; phát triển cơ thể không theo mong muốn hoặc không giống như những người bạn xung quanh, sự bình luận của bạn bè về mặt hình thể.

-          Đây là giai đoạn, yếu tố môi trường tác động mạnh mẽ đến trẻ. Trẻ thường hay bắt chước và  rất dễ bị lôi kéo đến những thói hư tật xấu của môi trường xung quanh,.

-          Trẻ bắt đầu có những biểu hiện chứng tỏ bản thân rằng mình đã lớn, thích sự tự do và có những hành động tự quyết. Đôi khi những tính cách của trẻ tạo nên những xung đột với những người thân trong gia đình.

-          Tâm lý trẻ thường thay đổi, chúng ta thấy trẻ vui đó nhưng rồi buồn đó, rất dễ nổi giận và thường có cảm giác cô đơn khi cha mẹ và người thân không hiểu.

-          Trẻ suy nghĩ rất nhiều, nhưng thường nhận thức không đầy đủ. Do trẻ không có những kiến thức và sự trải nghiệm của cuộc sống.

Vì những điều vừa nêu trên, chúng ta thường thấy trẻ vị thành có những hành vi dại dột và rất bất ngờ. Những hành vi dại dột đôi khi chỉ xảy ra một lần và không có cơ hội để sữa chữa. Trẻ tự tử vì những suy nghĩa chưa đúng đắn và không có kiến thức đầy đủ để suy nghĩ  đến những hậu quả do mình gây ra. Trẻ rất cần có những người bạn hiểu biết để giải thích, chia sẽ và hướng dẫn con đường đi cho đúng. Ở đây, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài vai trò của người làm cha làm mẹ, họ cần phải đóng vai trò là một người bạn để trẻ có thể tâm sự và chia sẽ những khó khăn. Qua đó cha mẹ có thể nắm bắt nhanh những chuyển biến bất thường về tâm lý của trẻ và có những biện pháp can thiệp sớm nhằm tránh những những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với những đứa con thân thương.

Bài viết của tôi ở trên chỉ đề cập đến vấn đề tự tử vị thành niên bình thường chưa đề cập đến những nguyên nhân tự tử do những rối loạn về mặt tâm lý và tâm thần ở trẻ.

Đăng bởi: BS. Đặng Ngọc Thạch ( Khoa tâm lý)

[Trở về]

Các tin khác